Biện pháp góp phần thực hiện phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050
Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số kiến nghị đã được đưa ra cần thực hiện đồng bộ và kịp thời.
Nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, Việt Nam sẽ thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó, việc triển khai xây dựng và vận hành thị trường carbon sẽ được ưu tiên thực hiện. Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (BVMT) số 72/2020/QH14 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, trong đó đã quy định việc “tổ chức và thực hiện thị trường carbon” phù hợp với chủ trương hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong ba đột phá chính của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2025 đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đại biểu của Đảng lần thứ XIII.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ tại Diễn đàn Phát thải ròng bằng 0 (NET ZERO 2050): Từ cam kết đến hành động “Sau một năm Luật BVMT 2020 có hiệu lực, thị trường carbon vẫn đang quá trình xây dựng để đến năm 2025 thí điểm có sàn giao dịch tín chỉ carbon. Muốn vậy đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, nhất là nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã được quy định trong Luật BVMT, sự sẵn sàng tham gia của các doanh nghiệp”.
Thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi, khi tham gia vào thị trường này không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận. Mặt khác đối với giảm thiểu carbon, nhà nước sẽ đạt được mục tiêu mong muốn giảm thiểu carbon theo kế hoạch đã định của mình.
Chẳng hạn đến năm 2030 chúng ta dự định giảm 30% lượng carbon phát thải đây là căn cứ để chúng ta xác định phát hành tín chỉ carbon ra thị trường để đạt mục tiêu đặt ra. Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng carbon phát thải ra môi trường sẽ bằng tổng lượng carbon giảm đi (thu về), như vậy số tín chỉ phát thải carbon ra môi trường sẽ đảm bảo phát thải ròng bằng 0.
Kiến nghị các giải pháp cụ thể
Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số kiến nghị đã được đưa ra cần thực hiện đồng bộ và kịp thời. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, cần phải có sự vào cuộc của nhiều bên, cụ thể: Bộ Tài Chính cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ carbon tiến hành vận hành thí điểm;
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tiến hành triển khai kiểm kê khí nhà kính (KNK) của hơn 1900 doanh nghiệp đã xác định, đây là căn cứ đầu tiên để làm cơ sở cho các doanh nghiệp khẳng định mình là đối tượng thuộc diện nào trong quy định hạn ngạch phát thải KNK;
Đối với doanh nghiệp cần chuẩn bị khả năng tham gia của doanh nghiệp mình, ví dụ, nếu là doanh nghiệp sản xuất phát thải KNK cần chủ động xác định khối lượng phát thải tại doanh nghiệp, số lượng tín chỉ cần có…để chủ động đăng ký khi cần cho cơ quan quản lý nhà nước và tính toán khả năng tham gia thị trường mua hay bán khi thị trường carbon trong nước đi vào vận hành trước năm 2025.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị, thúc đẩy việc áp dụng công cụ đánh giá carbon ở Việt Nam trong giai đoạn mới, để làm được việc đó cần ưu tiên một số vấn đề, cụ thể: “Thực hiện việc phân bổ hạn ngạch và xác định mức giá trần theo lĩnh vực cho các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK; Nghiên cứu, đánh giá tác động đến khía cạnh chuyển đổi công nghệ, xã hội và tính cạnh tranh khi áp dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải đổi với các cơ sở phát thải lớn”.
Theo ông Linh, cần có lộ trình áp dụng mức giá carbon mà Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác dự kiến áp dụng đến các doanh nghiệp Việt Nam để có lộ trình điều chỉnh việc áp dụng công cụ định giá carbon phù hợp; Nghiên cứu, xác định các rào cản về kỹ thuật để xác định thuế suất carbon phù hợp để đạt được các mục tiêu tạo ra động lực cho việc đầu tư hiệu quả vào các phương án carbon thấp và tránh tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển và ổn định kinh tế, đồng thời xác định phạm vi thuế carbon áp dụng lên các đối tượng chịu thuế nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực chung để giảm phái thải KNK.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon có vai trò hết sức quan trọng, đó là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường carbon từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính để doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất, chính quyền như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon.
Đồng thời, vì đây là vấn đề mới đối với Việt Nam, mua bán những hàng hóa không nhìn thấy được, chỉ qua giấy tờ chứng nhận thông qua tín chỉ, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng gần như chưa hiểu biết về thị trường này, chính vì vậy công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy khi công tác truyền thông tốt, nhận thức doanh nghiệp đầy đủ về thị trường carbon việc thực hiện mua bán tín chỉ carbon trên thị trường sẽ tiến hành thuận lợi, ngược lại truyền thông không tốt việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều cho tổ chức xây dựng và phát triển thị trường carbon, do đó công tác truyền thông càng hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp.
Dù còn nhiều việc cần làm để có thể phát triển thị trường carbon nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, nhưng việc triển khai có hiệu quả đồng thời các giải pháp và sự nhập cuộc tích cực của các bên đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho mục tiêu này.